Rất nhiều bệnh nhân đến
chỗ tôi khám vì có cảm giác tê bì, đau nhức các ngón tay, nhất là về đêm, sáng
ngủ dậy hay lúc chạy xe, hoặc đã được chẩn đoán là hội chứng ống cổ tay nhưng
uống thuốc không hết.
Hội chứng ống cổ tay là tình trạng dây thần kinh
giữa đi trong ống cổ tay bị chèn ép viêm sưng nề, gây tê các đầu ngón tay, nếu
nặng có thể gây đau nhức bàn tay hoặc lan lên cánh tay, dễ nhầm lẫn với bệnh lý
chèn ép rễ thần kinh cột sống cổ. Nguyên nhân thường gặp do chấn thương vùng cổ
tay, sau gãy xương và bướu vùng cổ tay, bệnh lý thần kinh giữa... Nhưng phần
lớn bệnh nhân lại không tìm thấy nguyên nhân rõ ràng.
Bệnh lý này thường gặp ở phụ nữ tiền mãn kinh,
mãn kinh, có thai hoặc sau sinh nở, hay những người làm việc sử dụng động tác
cổ và bàn tay nhiều như băm thịt, nhân viên văn phòng, công nhân hay vặn
tuốcnơvít, khoan vật cứng, thợ may thêu, vận động viên thể thao...
Nếu không được chữa trị sẽ diễn tiến đến biến
chứng tê nhức cả cánh tay, rối loạn lưu thông máu và teo cơ bàn tay, thần kinh
teo nhỏ với khả năng phục hồi rất thấp dù điều trị phẫu thuật.
Để chẩn đoán, bác sĩ chuyên khoa sẽ hỏi bệnh sử,
khám test thần kinh, chẩn đoán chính xác bằng điện cơ (EMG) và loại trừ một số
bệnh lý cột sống cổ gây chèn ép thần kinh làm tê tay tương tự. Nếu bệnh ở giai
đoạn sớm có thể điều trị bằng thuốc đặc trị, đeo nẹp tay hỗ trợ, ngưng động tác
có thể làm nặng triệu chứng và thực hiện các bài tập hay vật lý trị liệu.
Nhưng nếu bệnh không hết
hoặc ở giai đoạn muộn hơn, phẫu thuật cắt dây
chằng ngang, giải phóng dây thần kinh khỏi bị chèn ép là phương pháp
điều trị tối ưu. Đây là một phẫu thuật đơn giản và hiệu quả được ứng dụng ở hầu
hết bệnh viện Việt Nam từ trước đến nay, nhưng vẫn có nhược điểm là sẹo mổ dài,
thời gian phục hồi lâu, có thể đau sẹo sau mổ và xơ dính thần kinh.
Để hạn chế các nhược
điểm của phương pháp mổ mở, phẫu thuật nội soi
điều trị hội chứng ống cổ tay được các chuyên gia nội
soi phẫu thuật bàn tay ứng dụng rộng rãi trên thế giới với ống soi và các dụng
cụ chuyên dùng.
Với phương pháp này, chỉ cần một vết rạch da nhỏ
khoảng 0,6cm ngang cổ tay, ống soi đưa vào bên trong lòng ống cổ tay, bác sĩ sẽ
quan sát trực tiếp thần kinh và dây chằng ngang cổ tay trên màn hình phóng đại,
sau đó bằng lưỡi dao nhỏ chuyên dụng sẽ rạch dọc toàn bộ dây chằng ngang giải
phóng thần kinh. Bệnh nhân rất ít đau sau mổ, có thể xuất viện trong ngày và
làm việc trở lại sau mổ 2-3 ngày. Sẹo mổ nhỏ, thẩm mỹ và hạn chế được các biến
chứng đau sẹo, xơ dính thần kinh sau này.
Để phòng tránh bệnh này, chúng ta phải hạn chế
tình trạng sử dụng quá tải bàn tay trong thời gian dài (khoan rung, đánh máy vi
tính, băm thịt...). Nên có những khoảng nghỉ ngơi cho bàn tay, tập những bài tập
kéo dãn thần kinh giữa, hạn chế dùng chất kích thích như cà phê, thuốc lá,
rượu... và đến bác sĩ để khám ngay khi có triệu chứng tê bàn tay.
Bác sĩ .CKII Nguyễn Trọng Anh
Trưởng Trung Tâm Y học thể thao và Nội Soi Khớp (ASMC) (bacsianh.com)
Bác sĩ .CKII Nguyễn Trọng Anh
Trưởng Trung Tâm Y học thể thao và Nội Soi Khớp (ASMC) (bacsianh.com)
No comments:
Post a Comment