Ở người cao tuổi ( NCT) da khô, mỏng, nhăn nheo, cơ nhược, dễ tạo vết bầm khi tiêm truyền hay một chấn thương nhẹ. Mô dưới da mất tính đàn hồi và các mạch máu dễ vỡ, dễ loét vùng tỳ đè khi nằm lâu( nhất là sau gãy xương do đau không dám cử động), xương mất dần chất vôi nên dễ gãy, khớp viêm cứng làm giới hạn cử động, lồng ngực bị cứng do vôi hóa các sụn sườn, cột sống biến dạng cong vẹo, xẹp lún, vì vậy chỉ cần ngã nhẹ là có thể bị gãy xương, thường là gãy cổ xương đùi, liên mấu chuyển xương đùi, thân xương đùi, xương cẳng chân, cột sống, xương cánh tay và cẳng tay ít gãy hơn.
NCT nếu bị đau ốm kéo dài và/hoặc sau chấn thương gãy xương họ đau đớn, rên rỉ, hoặc trầm lặng,dễ giận hờn, bi quan, suy sụp, mất hi vọng vì bệnh tật và cảm thấy cô đơn,vô dụng, đồng thời bản
thân họ đã có suy giảm chức năng hệ thần kinh trung ương như: bệnh lí mạch máu não, biến đổi kích thích tố, do sang chấn tâm lý(Stress), cũng như mất tế bào toàn thể dần dần, teo não, cùng với giảm lưu lượng máu trong não và tiêu thụ ôxy của não, giảm tổng hợp và tăng phá hủy những chất dẫn truyền thần kinh, đưa đến những bệnh như Parkinson, Alzheimer (sa sút trí tuệ). Sau chấn thương và/hoặc sau mổ thường biểu hiện lú lẫn, la hét, nói sảng, nói nhiều, thậm chí đập phá hoặc nằm yên không tiếp xúc với xung quanh. Những dấu hiệu này diễn tiến từ một tuần đến 2 tuần, cá biệt có thể kéo dài hàng tháng sau đó sẽ bình phục gần như trước đó với điều trị đau tốt và hỗ trợ về não.
Sau chấn thương gãy xương làm họ đau đớn suốt ngày đêm không dám cử động gây ứ đọng đờm nhớt, ứ trệ tuần hoàn phổi gây viêm phổi nặng mặc dù có kháng sinh liều cao ( nhất là bệnh nhân có bệnh phổi mạn trước đó). Đồng thời do đau nên không dám cử động sẽ gây loét mục vùng tỳ đè, để lâu bệnh nhân sẽ tử vong trong đau đớn do nhiễm trùng. Bác sĩ sẽ điều trị kết hợp xương gãy, giảm đau tốt để bệnh nhân(BN) vận động sớm, vật lý trị liệu sau mổ giúp giảm đáng kể biến chứng này.
Trái tim ở NCT kém linh hoạt, kém thích ứng với quá tải, nhịp tim bù trừ bị hạn chế. Xơ vữa động mạch gây rối loạn chức năng nghiêm trọng làm thiểu năng động mạch vành, động mạch não và động mạch thận, xuất hiện bệnh mạch vành, suy tim ứ huyết và huyết áp cao, người trên 60 tuổi coi như là người thiểu năng động mạch vành và thiếu oxy cơ tim tiềm tàng( mặc dù trước đó không có bệnh tim mạch). Khi bị chấn thương gãy xương gây đau đớn thì các bệnh tim tiềm tàng bùng phát, làm tăng huyết áp(THA), rối loạn nhịp tim không đáp ứng với thuốc điều trị, đồng thời khi gãy xương( nhất là chi dưới) sẽ tạo ra cục máu đông sau chấn thương từ 6-12 giờ, chính những cục máu đông nhỏ này sẽ làm tắc mạch vành tim, mạch phổi, mạch não, gây nguy cơ tử vong như nhồi máu cơ tim(nếu để BN nằm lâu). Vì vậy bệnh nhân cần được ổn định sớm về bệnh tim, huyết áp, dự phòng tắc mạch đồng thời điều trị đau và phẫu thuật, giảm đau sau mổ tốt.
Răng hư và hoặc rụng, cơ nhai bị teo, vị khứu giác đều giảm làm NCT lười ăn và không ngon miệng. Ở dạ dày tiết dịch và sức co bóp giảm, nhu động ruột kém, hoạt tính các men cũng giảm, thức ăn sau ăn chỉ hấp thu được khoảng 35%, dễ bị liệt ruột và táo bón sau chấn thương và sau mổ. Chức năng gan giảm khoảng 40% về biến dưỡng đạm, đường và chất béo đều suy kém, tụy bị teo và xơ hóa dẫn đến mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ). Do đó suy dinh dưỡng, thiếu năng lượng, chất đạm và sinh tố, đưa tới hậu quả chậm lành vết thương, xì rò vùng mổ, loét da, bội nhiễm, suy kiệt. Suy dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong sau phẫu thuật ở NCT. Sau mổ bệnh nhân cần được truyền bổ sung đạm, albumin, sinh tố và vi chất.
Khối lương máu toàn phần ở NCT giảm do tủy xương sản xuất hồng cầu giảm đồng thời khi bị gãy xương đã chảy máu làm số lượng hồng cầu càng giảm, vì vậy sau mổ phải truyền khối hồng cầu, thậm chí rối loạn đông, chảy máu có thể phải truyền các thành phần khác của máu như tiểu cầu, huyết tương.
Thận suy giảm chức năng theo tuổi, lưu lượng máu đến thận giảm phân nửa, vì vậy rất dễ suy thận sau chấn thương và gây mê phẫu thuât. Thân nhiệt cũng giảm do điều hòa thân nhiệt trung ương kém và khối cơ bị teo, được thay thế bằng mô mỡ. Hoạt tính các hệ thống men trong chức năng chuyển hóa giảm, cùng với khả năng khử độc(gan, và hệ thống võng nội mô) cũng như khả năng bài xuất(thận, mật) kém, dễ gây độc tính quá liều và tác dụng kéo dài các thuốc ở NCT.
Tất cả những biến đổi nêu trên của NCT là nguy cơ cao trong và sau phẫu thuật, nhất là khi có kết hợp với bệnh lý nội khoa( tim mạch, tiểu đường, bệnh phổi,…).
Nhưng NCT bị gãy xương vẫn mổ được và kết quả rất thành công do có phương pháp gây mê mới, điều trị hồi sức, điều trị đau trong và sau mổ tiên tiến, kết hợp với phương pháp phẫu thuật hiện đại và phương tiện tối tân. Người bác sĩ Gây mê Hồi sức (chuyên khoa đặc biệt) có kiến thức tổng hợp, thao tác và kỹ năng giỏi để điều trị xuyên suốt quá trình bệnh lý của bệnh nhân từ khi bị chấn thương, trong lúc mổ và sau mổ, trả lại cuộc sống cho NCT về với gia đình bình an ở dốc cuối của cuộc đời họ:
- Bác sĩ đặt một đường ống nhỏ( catheter) vào buồng tim để thăm dò chức năng cơ tim và cho thuốc hỗ trợ cơ tim để đảm bảo tim hoạt động tốt cho phẫu thuật, điều trị hồi sức trong và sau mổ.
- Đặt một đường dây nhỏ(catheter) phía sau cột sống của bệnh nhân (ở khoang ngoài màng cứng, phía sau tủy sống) kết hợp cho thuốc vào khoang tủy sống và ngoài màng cứng(với các phẫu thuật từ ngang rốn trở xuống: gãy khung chậu, gãy xương vùng chân) hoặc đặt ở vùng vai-nách của BN ( cho các phẫu thuật khớp vai và tay) làm BN hết đau để mổ và giảm đau sau mổ nhiều ngày( thuốc an toàn tuyệt đối cho cơ thể người bệnh), bệnh nhân không đau cho nên tập và vận động sớm giúp tránh được các biến chứng như tắc mạch, viêm phổi, suy tim, THA, lở loét và các biến chứng khác đồng thời làm cho BN sảng khoái về tinh thần.
- Điều trị ổn định và cân bằng nội môi trong cơ thể BN( như các rối loạn về thần kinh, rối loạn các yếu tố vi lượng), điều trị hồi sức đặc biệt về tim, phổi, phòng tắc mạch chống nhiễm trùng, bổ sung dinh dưỡng.
Để có thành công cao trong điều trị gãy xương ở NCT là có sự phối hợp nhịp nhàng của Bác sĩ chuyên khoa gây mê hồi sức, Bác sĩ phẫu thuật, hỗ trợ của Bác sĩ nội khoa và cần phẫu thuật càng sớm càng tốt.
Tiến Sĩ Y Khoa. BS. LÊ VĂN CHUNG, Trưởng khoa Gây mê – Hồi sức và Điều trị đau,
No comments:
Post a Comment