GÂY MÊ HỒI SỨC, CHUYÊN NGÀNH KỲ DIỆU CÒN ÍT NGƯỜI BIẾT

Không chỉ  đơn thuần là khoa học, gây mê hồi sức (GMHS) còn là lĩnh vực y học mang “giai điệu, âm hưởng” của nghệ thuật. Thượng đế sáng tạo ra con người với muôn vàn những điều kỳ diệu nhất thì sức mạnh đặc biệt của y học cũng có được từ khi gây mê hồi sức bắt đầu xuất hiện. Cuộc hành trình ấn tượng của “những người phải thức để đảm bảo an toàn cho những người cần phải ngủ” là cuộc hành trình của những sáng tạo bất tận*

 Trong một thời gian dài của lịch sử Nhân loại, phẫu thuật là nỗi kinh hoàng cho người bệnh vì chưa có gây mê hồi sức. Ngày 16/10/1846 trở thành ngày lịch sử của ngành GMHS và ngoại khoa khi ca phẫu thuật cắt bỏ u xương hàm được thực hiện thành công tại Đại học Harvard trước sự chứng kiến của quan khách và công chúng. Lần đầu tiên bệnh nhân đã được gây mê hoàn toàn bằng khí Ether, không phải chịu đau đớn và tỉnh dậy một cách bình thường. Người đi vào lịch sử đó là Bác sĩ William T.G. Morton sau nhiều nghiên cứu sử dụng Ether của ông trên động vật. Ngay lập tức, sự kiện này được đăng tải trên trang nhất của tờ báo danh tiếng “Nội và Ngoại khoa Boston” và nhanh chóng lan đi toàn thế giới như một điều kỳ diệu của y học trong sự hân hoan, hy vọng của toàn Nhân loại nhất là các thầy thuốc và người bệnh**.
Còn khá nhiều người trong chúng ta( kể cả các bác sĩ và nhân viên y tế trong giới y học) còn hiểu đơn giản về gây mê hồi sức là chỉ làm cho bệnh nhân ngủ sâu và không đau để phẫu thuật, nhưng sự thật thì khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều. Bác sĩ gây mê hồi sức là chuyên khoa đặc biệt, có trình độ chuyên môn tổng hợp như một “Nhạc trưởng” trong suốt thời gian phẫu thuật, điều khiển hệ thống máy và phương tiện để thay thế chức năng hô hấp khi bệnh nhân hoàn toàn ngừng thở hoặc thay thế chức năng tuần hoàn như trường hợp phải làm ngừng tim trong phẫu thuật tim và đối phó với hàng loạt các rối loạn khác của người bệnh như chảy máu, rối loạn huyết động, rối loạn đông máu, hạ nhiệt độ, rối loạn kiềm toan, đặc biệt là điều khiển hệ tim mạch ổn định trong và sau phẫu thuật( nhất là người già và có bệnh lý tim mạch kèm theo) .... Sau gây mê còn là giai đoạn hồi sức phức tạp để  tiếp tục điều chỉnh các rối loạn về huyết động học, hô hấp, chuyển hóa và các thiếu hụt khác gây ra do phẫu thuật và gây mê, đưa chức năng sống của người bệnh trở về bình thường, thoát ra khỏi sự thay thế và hỗ trợ của hệ thống máy nhân tạo và thuốc. Gây mê và hồi sức luôn đi cùng nhau, có trong nhau ở suốt thời gian phẫu thuật, đặc biệt trong các phẫu thuật lớn hoặc trên các bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân nặng và/ hoặc có nhiều bệnh lý nội khoa phối hợp. 
GMHS ngày nay không những chỉ đảm bảo bệnh nhân an toàn trong và sau phẫu thuật mà còn phát hiện,  điều chỉnh các rối loạn trước phẫu thuật, đảm bảo điều kiện tối ưu cho cuộc phẫu thuật cũng như tiến hành điều trị đau hiệu quả đối với cả trường hợp đau cấp và mạn tính, nhất là đau trước và  sau phẫu thuật. Đặc biệt hơn với phương pháp gây mê mới, điều trị hồi sức, điều trị đau tiên tiến, kết hợp với phương pháp phẫu thuật hiện đại và phương tiện tối tân. Người bác sĩ Gây mê Hồi sức có kiến thức tổng hợp, thao tác và kỹ năng giỏi để điều trị xuyên suốt quá trình bệnh lý của bệnh nhân cao tuổi từ khi bị chấn thương gãy xương, trong lúc mổ và sau mổ, trả lại cuộc sống cho họ về với gia đình bình an mà trước đây y học chưa làm được. Ngoài ra, hoạt động GMHS cũng không thể thiếu trong cấp cứu ngoại khoa, đặc biệt là cấp cứu chấn thương.
Trong y học, GMHS là một trong những ngành được coi là của cả khoa học và nghệ thuật. Khoa học sẽ không bao giờ có điểm dừng và nghệ thuật cũng không ngừng sáng tạo... Cùng với y học nói chung và lĩnh vực ngoại khoa nói riêng, GMHS sẽ còn làm nên nhiều điều kỳ diệu hơn thế nữa.

                                                          **Hội GMHS Hoa Kỳ,* Hội GMHS Việt Nam
Tiến Sĩ Y Khoa. BS. LÊ VĂN CHUNG, Trưởng khoa Gây mê – Hồi sức và Điều trị đau

No comments:

Post a Comment