Nhân câu chuyện thành phố Melbourne - nơi đang diễn ra Giải quần vợt Úc mở rộng 2014 gánh chịu đợt nóng kỷ lục, bác sĩ Nguyễn Trọng Anh - phó chủ tịch Hội Y học thể thao TPHCM gửi đến báo Tuổi trẻ bài viết về mối liên hệ giữa nhiệt độ môi trường cao và sức khỏe, thành tích của VĐV
Đối thủ đáng ngại nhất đối với hầu hết các tay vợt đang dự Giải quần vợt Úc mở rộng hiện nay là nhiệt độ. Sau 2 ngày liên tiếp nóng 42°C, nhiệt độ tiếp tục tăng lên 44°C. Nhiệt độ đo được ở Melbourne là 41 độ C, kết hợp với độ ẩm và sức gió đã đạt đến mốc buộc phải áp dụng Chính sách nhiệt (EHP).
Nam nặng 70kg, mất một lít mồ hôi trong một giờ
EHP quy định khi nhiệt độ và độ ẩm được đo ở sân thi đấu đến hạn mức, các trận đấu sẽ được hoãn và đóng các mái che. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới 9 tay vợt bỏ cuộc - một kỷ lục - ở vòng 1. Dù vị bác sĩ phụ trách ở giải khẳng định nhiệt độ hiện nay chưa đến mức nguy hại, một số tay vợt vẫn phàn nàn điều kiện thi đấu như thế này vừa nguy hiểm, vừa “vô nhân đạo”. Trong số đó có Ivan Dodig, hạt giống số 32. Anh bị chuột rút nhiều lần và phải dừng cuộc chơi ở ván 4 trong trận đấu với Damir Dzumhur.
Môi trường ảnh hưởng đến VĐV qua một vùng bao quanh VĐV coi như là một “tiểu khí hậu“ gồm có nhiệt độ chung quanh, độ ẩm, lưu lượng gió, bức xạ, độ cao... Khi cơ thể hoạt động, một số năng lượng được tạo ra, tạo nên sức nóng trong cơ thể. Sức nóng được tạo ra bằng những vận động của một người VĐV đang tập thể thao nặng có thể đạt mức năng lượng từ 5.000 – 15.000 calorie trong 1 giờ, làm tăng nhiệt độ nội tạng.
Nhằm để tránh nhiệt độ bên trong lên quá cao, cơ thể điều hoà bằng 2 cách: tăng tuần hoàn vùng mặt da lên và tăng sự ra mồ hôi. Sự bốc hơi từ mặt da và tuần hoàn là nguồn quan trọng nhất để giảm thân nhiệt cho cơ thể. Khi hoạt động thì 80% sức nóng bị mất đi nhờ mồ hôi. Một người cân nặng 70kg, mỗi 100ml mồ hôi sẽ làm giảm đi nhiệt độ bên trong cơ thể một độ.
Cho nên một người bình thường 70kg, nam, sẽ có một lượng mồ hôi vào khoảng 1 lít trong 1 giờ tập luyện. Lượng mồ hôi tiết ra sẽ giảm dần khi tuổi càng tăng và một số các trường hợp bệnh khác như là xơ cứng mạch máu và bệnh tiểu đường sẽ làm giảm tuần hoàn vùng mặt da.
Cần phải đề ý là sự tiết mồ hôi thay đổi ở trẻ em khác với người lớn. Ở trẻ em khả năng để quen dần với khí hậu ít hơn. Về phương diện lý thuyết để quen với nhiệt độ môi trường, người ta cần ít nhất hai tới ba tuần lễ ở trong môi trường đó. Sự quen môi trường này cần một thời gian như thế để điều hòa việc ra mồ hôi ,tuần hoàn vùng mặt da, cơ thể cần ổn định lại tim mạch, ổn định lại tình trạng nước trong cơ thể, và ổn định lại những phản xạ đối với môi trường .
Khi VĐV hoạt động ở khu vực có nhiệt độ cao, mồ hôi ra nhiều và nếu không có lượng nước bù đắp đúng đầy đủ thì nhọ sẽ rơi vào tình trạng thiếu nước. Hậu quả là giảm tuần hoàn ở vùng mặt da do thiếu nước, làm giảm sự tiết mồ hôi , làm tăng nhiệt độ bên trong cơ thể. Như thế nhiệt độ bên trong càng tăng, các cơ quan nội tạng sẽ không làm việc một cách hoàn hảo.
Các bệnh do môi trường nóng sinh ra gồm có mệt, vọp bẻ và ngất xỉu, đột quỵ.
Không đợi khát mới uống nước
Phòng ngừa các bệnh do môi trường nóng là tránh thiếu nước, muối, làm nóng kỹ , có thời gian tập quen với khí hậu. Như tại Giải quần vợt Úc mở rộng năm nay, những tay vợt nào có trình độ vượt trội, chuẩn bị kỹ lưỡng và giỏi sắp xếp thì sẽ đỡ gặp khó khăn hơn. Như Serena Williams chẳng hạn. Để chuẩn bị cho giải, Serena đã tập rất đều đặn ở Florida, một nơi cũng rất nóng. Đến Melbourne, cách ứng phó với môi trường của Serena là trốn kỹ trong nhà, chú ý uống nước đầy đủ và khi ra sân thì cố gắng thắng thật nhanh để khỏi mất sức.
Hơi tiếc là sau đó Serena đã rời cuộc chơi ở vòng sau trận thua đối thủ người Serbia Ivanovic vì chấn thương.
Yếu tố quan trọng nhất giúp phòng tránh các bệnh do môi trường nóng là cho uống nước đầy đủ. Nếu trọng lượng của cơ thể bị mất hơn 5% do mồ hôi thì bắt đầu có nguy cơ của bệnh do nóng, nếu quá 7% thì có thể đưa đến đột qụy. Nếu cơ thể bị mất từ 10% trở lên thì có nguy hiểm đến tính mạng.
Điều cần chú ý là cảm giác khát không phải là một cơ chế cũng như là một dấu hiệu cho thấy rằng cơ thể bị mất nước vì người ta chỉ khát khi trong cơ thể lượng nước bị mất nhiều khoảng từ 30 – 50% khối lượng nước trong cơ thể. Do đó không thể căn cứ vào dấu hiệu khát để cho uống nước được. Luôn luôn trong quá trình tập luyện phải cho người ta uống từ từ và liên tục, không đợi khát mới uống.
Bác sĩ .CKII Nguyễn Trọng Anh
Trưởng Trung Tâm Y học thể thao và Nội Soi Khớp (ASMC) (bacsianh.com)
Trưởng Trung Tâm Y học thể thao và Nội Soi Khớp (ASMC) (bacsianh.com)
No comments:
Post a Comment